Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Tiểu sử tóm tắt


Tiểu sử cụ Nguyễn Trọng Vĩnh


Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh sinh ngày 1-10-1916 tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa Trong một gia đình nhà Nho. Vào thời thuộc Pháp, chữ Nho không còn đươc trọng dụng, gia đình trở nên nghèo khó, vì không có tiền đóng thuế thân, cụ thân sinh (cụ Nguyễn Lôi Xuân) đã phải bán cụ Vĩnh- là con thứ trong nhà, khi đó mới 9 tuổi- để lấy tiền đóng thuế. Cụ Vĩnh bị bán làm “con nuôi”- thực chất là con ở- cho một gia đình trồng và buôn bán hoa ở làng Hữu Tiệp Hà Nội. Trải 6 năm vất vả khổ cực, cụ được cha chuộc về quê cho đi học trường Cao đẳng tiểu học Phủ Quảng (là trường công trong hệ thống giáo dục do người Pháp thiết lập, dạy cả tiếng Việt và tiếng Pháp). Mặc dù nhà vẫn rất nghèo, điều kiện sinh hoạt, học tập vô cùng thiếu thốn, nhưng cụ Vĩnh vẫn say mê học tập. Bản tính thông minh nên chỉ mất 3 năm học, cụ đã hoàn thành được chương trình của 6 năm ở bậc tiểu học và thi lấy được bằng Cao đẳng Tiểu học vào năm 1933.

Đã có bằng cấp, nhưng mãi 3 năm sau khi trở lại làm tạm việc vặt cho nhà ông chủ trồng hoa ở Đại Yên, cụ Vĩnh mới xin được việc làm ở nhà in Lê Văn Tân, rồi chuyển sang nhà sách Vạn Tường. Tại đây, cụ đã tranh thủ điều kiện thuận tiện, đọc thêm nhiều sách, mở mang được nhiều kiến thức… Tuy vậy, cũng tại đây, lần đầu tiên, cụ tham gia phong trào công nhân đình công đòi tăng lương, vì vậy bị mất việc và sau đó cũng không xin được việc ở các nhà in khác, phải nhận lại việc của anh em thợ nhà in Tô panh.

Từ khi còn ở quê nhà, đã sớm tiếp thụ tinh thần yêu nước qua thơ văn được các nhà nho yêu nước truyền tụng; gia nhập làng công nhân thợ in Hà Nội, càng được giác ngộ, cụ đã nhanh chóng tham gia các hoạt động của phong trào. Năm 1936, tham gia Hội Ái hữu nghề in (tức Bắc kỳ công ấn ái hữu hội), cụ được các nhà hoạt động đàn anh như Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, trần Quốc Hoàn, Đào Duy Kỳ… dẫn dắt.

Năm 1938, vì tham gia cuộc biểu tình lớn ở nhà Đấu xảo, cụ bị chính quyền Pháp bắt nhưng lại được thả vì họ chưa có chứng cớ.

Năm 1939, Mặt trận Bình dân bên Pháp đổ, phong trào công nhân ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trước, nhưng cụ vẫn tích cực tham gia các hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 5-1940, cụ bị Pháp bắt đưa đi “an trí” (đi đày) ở trại TS (Travailleur Special) Đăc lây Con Tum, sau chuyển sang trại Đắc Tô. Trong nhà đày, đã có lần cụ suýt chết vì sốt rét ác tính.

Năm 1945, được tha tù nhân sự kiên Nhật đảo chính Pháp, cụ tìm đường trở lại Hà Nội, bắt liên lạc với Tổ chức và tiếp tục hoạt động. Cụ tham gia  tổ in báo Cờ giải phóng ở ATK (địa bàn huyện Đông Anh) rồi được cử làm Bí thư huyện ủy Đông Anh (lúc đó thuộc tỉnh Phúc Yên), thành lập Chính quyền Cách mạng , phát triển tổ chức Việt Minh; tham gia Tuần lễ vàng, phong trào Ba diệt (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm)…Cùng năm, cụ được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Phúc Yên.

Năm 1946, cụ kết hôn với cụ bà là Lê Thị An, cũng là người trong Tổ chức ở Đông Anh. Nhưng cùng năm đó, cụ lại được điều đi làm Bí thư tỉnh ủy Thái Bình.

Cuối năm 1946, giặc Pháp bắt đầu gây hấn ở Hà Nội, cụ được điều lên Việt Bắc làm Chính ủy Quân khu I (gồm 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng).

Năm 1948, được giao chức Trưởng phòng Cán bộ trong Cục Tổng Thanh tra Quân đội.

Năm 1950, Quân đội thành lập Tổng cục Chính trị, được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Tổ chức; với cương vị đó, cụ đã tham gia các chiến dịch Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Sầm Nưa. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ được phân công chỉ đạo, động viên lực lượng tiếp tế chiến dịch, chuyên theo dõi kiểm tra việc tiếp tế từ Thanh Hóa lên Mộc Châu.

 Sau 8 năm làm Cục trưởng Cục Tổ chức TCCT, năm 1958, cụ được điều đi làm Chính ủy Quân khu 4, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1959, sau khi có Luật Sĩ quan, cụ được phong quân hàm thiếu tướng (cùng đợt với khoảng 30 sĩ quan cấp tướng). Quân khu 4 đóng trên địa bàn  Nghệ An nên cụ tham gia ứng cử Quốc hội ở tỉnh và được bầu làm đại biểu Quốc hội ở đó (khóa 2).

Tháng 9- 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III Đảng LĐVN, cụ được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết (tổng số Ủy viên Trung ương cả chính thức và dự khuyết là 47 người), được phân công làm Phó ban Tổ chức trung ương Đảng (Lê Đức Thọ là trưởng ban). Vì các Phó ban khác đều chưa phải UVTW nên đương nhiên cụ là Phó ban thứ nhất. Trong công việc, cụ thường thẳng thắn trình bày chính kiến riêng, nhiều suy nghĩ, quan điểm không đồng nhất với trưởng ban nên đã bị Lê Đức Thọ đề nghị cho đi Thanh Hóa nhận chức Bí thư tỉnh ủy chỉ sau 6 tháng làm Phó ban Tổ chức.

Cuối năm 1964, theo đề nghị của Trung ương Đảng bên Lào, Trung ương Đảng Việt Nam cử cụ sang phụ trách Ban Công tác miền Tây và làm trưởng đoàn cố vấn bên cạnh Trung ương Đảng Bạn; sau kiêm thêm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự giúp Lào (đoàn 959) cho đến năm 1973. Mười năm làm chuyên gia cố vấn, cụ luôn đi sâu sát nắm tình hình các địa bàn, bất chấp các tuyến đường, các địa bàn thời kỳ đó bom đạn địch rất ác liệt. Cụ đã đóng góp cho Bạn nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực, hiệu quả; và đã thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Có ý kiến đóng góp với Bạn nhưng tránh không làm “ông Toàn quyền” không áp đặt, luôn tôn trọng chủ quyền của Bạn. Phía Bạn Lào luôn tin tưởng và ghi nhận những đóng góp đó, đã tặng cụ Huân chương Tự do hạng Nhất ( huân chương cao quý nhất của Lào).

Xong nhiệm vụ giúp Lào, năm 1974, cụ được giao nhiệm vụ làm Đại sứ  đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sau kiêm nhiệm Đại sứ tại nước Cộng hòa Hồi giáo Pakitxtan.

Bắt đầu từ năm 1976, Trung Quốc thay đổi thái độ đối với Việt Nam khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, công việc làm đại sứ  gặp rất nhiều khó khăn trở ngại và phức tạp. Nhưng cụ đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt. Như trong hồi kí, cụ viết “Làm Đại sứ Trung Quốc trong những năm Trung Quốc cố tình khiêu khích và biến Việt Nam thành kẻ thù, đã đành là rất căng thẳng thần kinh và hao tổn thể chất, nhưng với tôi không phải là hoàn toàn chỉ có vất vả, gian khổ. Cũng có khi được đắc ý chứ. Ấy là niềm vui sau những cuộc đấu lý với Trung Quốc. Họ thì hùng hùng hổ hổ, đập bàn đập ghế, dùng những lời lẽ đao to búa lớn để vu cáo trắng trợn, đe dọa ta. Tôi thì vận hết nội công, cố sức kiềm chế để không bị cuốn vào cái kiểu bất lịch sự, phi ngoại giao đó, để tìm những lý lẽ và ngôn từ đích đáng, đập lại họ, buộc họ phải rút dù”.

Trong 13 năm làm Đại sứ (nhiệm kì dài nhất trong lịch sử bang giao với Trung Quốc thời hiện đại), cụ còn đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn Ngoại giao ở Bắc Kinh, cũng đã làm tốt công việc, được các nhà ngoại giao các nước nể trọng. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, cụ được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chi Minh và chính thức nghỉ hưu ở tuổi 71.

Sau khi nghỉ hưu, cụ tham gia cuộc vận động thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Cụ được bầu là Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Hội (từ năm 1993 đến 1998). Cụ còn tham gia việc thành lập hội Người Cao tuổi, CLB hưu trí Bộ Ngoại giao.

Cụ đã viết nhiều thư gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nhiều vấn đề cần suy nghĩ để đóng góp ý kiến với mong muốn “để giới quyền uy bớt lỗi lầm”. Nhưng những ý kiến chân thành thẳng thắn của cụ đã không được giới quyền uy tiếp thụ, suy xét đến. Vì vậy cụ đưa những suy nghĩ của mình lên các trang mạng xã hội, nói với cộng đồng nhân dân để mọi người cùng suy ngẫm. Cụ đã viết hàng mấy trăm bài báo với chủ đề chung là “Phải trái sự đời” để đóng góp luận bàn phải trái với cộng đồng, để khai dân trí, để nhắc nhở mọi người về trách nhiệm công dân trong sự nghiệp bảo về Tổ quốc, xây dựng xã hội tiến tới dân chủ- công bằng- văn minh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  XIN CHO CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH LÀ “TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT"! Mạc Văn Trang Chị Nguyễn Nguyên Bình sau khi đi tảo mộ cha - Lão tướng, nhà Ng...