Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

 XIN CHO CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH LÀ “TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT"!

Mạc Văn Trang
Chị Nguyễn Nguyên Bình sau khi đi tảo mộ cha - Lão tướng, nhà Ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Trọng Vĩnh, an nghỉ tại xã Đường Lâm, rồi về nghĩa Trang Mai Dịch thắp hương mộ mẹ - bà Lê Thị Ban. Chị Bình viết trên FB:
“Cụ ông đã nương bóng cụ Giang Văn Minh - Vị Đại sứ chống lại sự o ép của “thiên triều” với nước ta mấy trăm năm trước, và được sắc phong bốn chữ THIÊN CỔ ANH HÙNG; nay cụ ông vẫn đau đáu mong cụ bà. Mình là con, chưa làm trọn nguyện vọng của cụ, áy náy lắm thay. Ai giúp được chuyện đó bây giờ?...Cầu trời gặp được người thông cảm!”
Quả thật đây là chuyện “lạ đời” ở xứ CHXHCN Việt Nam. Hiếm có cặp vợ chồng cách mạng cộng sản tiền bối nào mà hai người cùng được tiêu chuẩn an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, vậy mà lại cố thoát ra!
“Nghĩa trang Mai Dịch là một nghĩa trang liệt sĩ nằm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Được xây dựng vào năm 1956, đây là nơi an nghỉ của 1.228 liệt sĩ và 394 nhân vật nổi tiếng là cán bộ chính trị cấp cao là Ủy viên Trung ương Đảng trở lên bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tiêu biểu; các tướng lĩnh công an, quân đội; anh hùng lực lượng vũ trang”... (https://vi.wikipedia.org/.../Ngh%C4%A9a_trang_Mai_D%E1%BB...).
Nghe nói để được chôn cất ở nghĩa trang Mai Dịch phải được Ban Tổ chức trung ương ĐCSVN xét duyệt, cân nhắc kỹ lắm. “Có vấn đề" như cụ Trần Xuân Bách vẫn được “ưu tiên" chôn cất ở Mai Dịch; nhưng lão tướng Trần Độ lại không những không được an táng ở Mai Dịch, mà điếu văn còn nêu ra “khuyết điểm”, khiến gây phẫn nộ tại tang lễ Cụ… Lại nghe thiên hạ đồn, mộ của Lê Đức Thọ để ở Mai Dịch mà không yên, nên gia đình phải bí mật di chuyển đi nơi khác (?).
Mối tình Nguyễn Trọng Vĩnh - Lê Thị Ban ly kỳ từ những ngày hoạt động bí mật trước cách mạng 1945, thơ mộng hơn cả tiểu thuyết.
“Lê Thị Ban, tên thật là Lê Thị An, 14 tháng 7 năm 1920 – 27 tháng 9 năm 2010, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trên 70 năm và Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Bà là phu nhân của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh” (https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Th%E1%BB%8B_Ban).
Cứ tưởng rằng hai vợ chồng Cùng tiêu chuẩn Mai Dịch là tuyệt vời nhất rồi, nhưng Cụ Vĩnh cuối đời đã viết hàng 100 bài phê phán những sai lầm, thối nát của ĐCSVN và dặn không chôn Cụ tại Mai Dịch! Hãy để cụ an nghỉ tại một nghĩa trang nhân dân nào đó và đưa Cụ Bà về cùng.
Các con và thân hữu đã tìm được một nơi hẳn là hợp ý Cụ. Nơi đó là một mảnh đất chừng 40m2, gần Lăng mộ Thám Hoa Giang Văn Minh, ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Con cháu đã xây hai ngôi mộ của hai Cụ bên nhau, nhưng nay Cụ Ông vẫn cô đơn, mong đợi Cụ bà về cùng… Chị Nguyên Bình đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xin cho Cụ Bà rút khỏi Mai Dịch, nhường chỗ cho đồng chí khác, để về với Cụ Ông, nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Có anh em bảo, cứ bí mật rước Cụ Bà đi là xong, chẳng cần xin xỏ ai. Nhưng chị Bình bảo không được, việc này phải làm cho đàng hoàng chứ. Và bây giờ chị kêu gọi: Có ai có thẩm quyền, có động lòng cảm thông, giúp cho Cụ Bà thoát khỏi Mai Dịch để về bên Cụ Ông!?
“Phong trào thoái Mai Dịch" có lẽ bắt đầu từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuối đời, Cụ Giáp đã nhất quyết thoát ra khỏi Mai Dịch, tìm nơi an nghỉ cuối cùng của mình tại quê hương: ở Vũng Chùa Đảo Yến, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Sau đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang, TBT Đỗ Mười cũng “goodby" Mai Dịch, tìm về an nghỉ nơi quê nhà.
Còn các quan chức cao cấp ở phương Nam, lúc đương chức tại Hà Nội, nhưng về hưu thì không ai dại gì lại mơ tưởng đến Mai Dịch! Câu chuyện Mai Dịch cũng cho thấy chiều hướng tâm tư của hàng ngũ cao cấp trong ĐCSVN ra sao.
TÓM LAI, đã dính mắc vào ĐCSVN là rắc rối. Lúc sống phải thực hiện 19 Điều cấm đảng viên không được làm (nhưng thực ra các đồng chí cứ mần chui, đừng để lộ là ok)! (https://www.vksndtc.gov.vn/.../quy-dinh-so-47-qdtw-ve...).
Riêng TBT Nguyễn Phú Trọng thì có thể làm trái Điều lệ Đảng, Điều cấm số 1, ngay giữa ĐH XIII, vì ĐH cho phép “trường hợp đặc biệt"!
Lúc chán Đảng, muốn thoát ra cũng không đơn giản, phải tìm nhiều cách, rồi chọn cách nào cho an toàn. Lúc chết rồi, mà tang lễ cũng phải duyệt, như Lão tướng Trần Độ, trên vòng hoa không được đề chữ “Vô cùng thương tiếc", chỉ được đề “Kính Viếng…”!
Trường hợp đảng viên lão thành Lê Đình Kình, 56 tuổi đảng chưa từng bị kỷ luật mà bị Đảng giết chết ghê rợn, thảm khốc biết chừng nào! Trong đám tang, công an chen đầy, cấm không ai được chụp ảnh, ghi hình; tiền phúng viếng bị giữ lại; ai đến thăm viếng bị ngăn chặn, đe dọa, bị ghi hình...
Còn trường hợp Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, hai Cụ mất rồi, mộ ở hai nơi, muốn về với nhau, Đảng cũng khó như vậy đấy. Chị Bình hãy làm đơn lên TBT Nguyễn Phú Trọng xin đây là “trường hợp đặc biệt", chắc ông Trọng cảm thông, vì ông đã trải nghiệm thế nào là “trường hợp đặc biệt" mà trót lọt rồi.
Ngày 05/2/2021
MVT
Dinh Dung, Hoi Osolomio Phan Cường và 76 người khác
5 bình luận
6 lượt chia sẻ

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

 KÍNH VIẾNG LÃO TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Thơ Nguyễn Văn Diệp
Thắp hương tay vái vĩnh biệt NGƯỜI
Từ tấm lòng thành cụ Vĩnh ơi!
Tướng lĩnh gian nan từng bao thủơ
Xứ thần oanh liệt đã một thời.
Kiên trung chống nhũng danh lưu mãi
Bất khuất trừ tham tích sáng ngời.
Danh vọng huân huy đem xếp lại
Bao nhiêu bài viết hiến cho đời..
Đời này lấy Cụ - tấm gương soi
Cho cả chức quan cả giống nòi.
Bất khuất xứng danh con Lạc Việt
Kiên trung không chịu kiếp tôi đòi.
Cháu con đưa CỤ về tiên cảnh
Người khuất, danh lưu mãi với đời.
Thương xót cúi đầu ngày tiễn biệt
Noi theo gương Cụ, chẳng hề ngơi!
Ngày 27-12-2019
Nguyễn Văn Diệp (82 tuổi, xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương)
Hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản
Khanh Tram Nguyen Thi, Thi Đào và 413 người khác
21 bình luận
36 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Bình luận



CHTV Vietnam
 đã phát trực tiếp.

Kỷ niệm chiến tranh biên giới 17/2/1979: Trò chuyện về chứng nhân lịch sử Cụ Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (NHÁY CHUỘT VÀO CHỮ 17 THÁNG 2 ĐỂ XEM)
1
i khác

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020


LỄ BÁCH NHẬT CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH:
Giá mà Lãnh đạo biết lắng nghe…

Đinh Hoàng Thắng

Thấm thoắt 100 ngày Nhà ngoại giao – Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã đi xa. Di sản của Cụ hôm nay tuy chưa được nghiên cứu và tiếp thu, nhưng các giá trị lâu bền và định hướng nhất quán ấy vẫn trường tồn với thời gian. Mai đây, khi đất nước bắt nhịp với thời đại, chắc chắn Cụ được “hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời”* và sẽ được nhắc đến như một trong những người vạch đường sáng suốt.

Nói cho công bằng, lịch sử Việt Nam đương đại có chuyển động, dù chậm chạp. Sự chuyển động ấy là đáng hoan nghênh, tuy còn khoảng cách với sự đón đợi. So với những Trần Xuân Bách, Trần Độ và các nhà hoạt động khác dấn thân cho tương lai dân chủ của đất nước, số phận tướng Nguyễn Trọng Vĩnh không đến mức bi kịch. Không bi kịch nhưng Cụ vẫn luôn tự vấn và day dứt cho đến cuối cuộc đời vắt ngang hai thế kỷ. Nhớ mãi những lần đến thăm Cụ tại nhà riêng và bệnh viện. Lúc bấy giờ nói chuyện đã khó khăn, nhưng Cụ vẫn nắm chặt tay, ra hiệu với chúng tôi phải đấu tranh không khoan nhượng, vì an ninh quốc gia, không được để cho các tập đoàn “nước lạ” tham gia đấu thầu xa lộ Bắc Nam.

Đọc những dòng lưu bút từ cuốn sổ tang hôm nào, càng củng cố trong tôi một niềm nuối tiếc nhức nhối. Vậy là những người để lại các dòng lưu bút này đã cùng nhau toả sáng lên một khoảnh khắc của hoà hợp. Cái buổi sáng ngày mồng hai tháng Giêng ấy, tất cả đều chỉnh tề hàng lối trước linh sàng Cụ. Từ tận đáy lòng, chia sẻ những giá trị của Cụ, họ đã ngưỡng mộ và dành cho Cụ những tình cảm kính trọng và quý mến thực sự. Một con người mà Facebooker Lê Hồng Hạnh từng cảm thán, “là Tiên là Phật ở cõi nhân gian đầy nhiễu nhương này”. Liệu qua đám tang hôm ấy, họ đã xích lại được gần nhau bao nhiêu? Ai đã làm cho những con người vốn dĩ là đồng bào của nhau mà phải đối mặt nhau, thậm chí một bên coi bên kia là thù địch, rồi ngoảnh lưng lại luôn cả với những giá trị mà trong thâm tâm, bản thân cũng đồng tình và chia sẻ, nhưng bề ngoài, buộc phải phản bác lấy lệ? Không thể liệt kê hết danh tính họ ra đây! Đó là những Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), những Cấn Thị Thêu (Dương Nội), những Lê Trọng Hùng (Truyền hình CHTV)… Đó là Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng Bùi Thanh Sơn (Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao), Trung tướng Lê Hiền Vân (Tổng cục Chính trị), Thiếu tướng Lê Văn Huyên (Cục Tổ chức)… Và biết bao nhân sỹ, trí thức, đại biểu các cơ quan đại diện trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội dân sự, nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục, cựu chiến binh, đồng hương, họ hàng và bà con khối phố…

Trong một xã hội dân chủ, “cần ăng-ten” của các nhà lãnh đạo quốc gia lúc này phải nắm bắt được những làn sóng nói trên! Những làn sóng ấy không đến từ “các lực lượng thù địch”, lại càng không đến từ những con người “tự diễn biến” hay “tự chuyển hoá”. Bởi vì, ngay đến cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều Lãnh đạo Đảng/Nhà nước khác cũng gửi vòng hoa viếng Cụ cơ mà! Đoàn Văn Vươn, Cấn Thị Thêu hay Lê Trọng Hùng… đều là những con người thiện lương. Các quan chức Ngoại giao, các vị tướng của Cục Tổ chức hay Tổng cục Chính trị nêu trên đều là những yếu nhân có cương vị cao hiện đang gánh vác trọng trách trong chính quyền… Từ những đốm lửa ấy cớ sao không biết thổi bùng lên thành ngọn lửa thiêng của chủ nghĩa yêu nước, hun đúc nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc? Cần biết bao ngọn lửa ấy đối với Tổ quốc những năm tháng sóng gió hiện nay!

Phong toả toàn quốc đã bước sang ngày thứ hai. Cả nước đang gồng mình chống đại dịch thế kỷ, con virus quái ác ấy từ đâu đến thì ai cũng biết. Người dân các tỉnh miền Tây đang oằn lưng chống hạn mặn lịch sử đồng bằng Sông Cửu Long, đe doạ mưu sinh của hơn 17 triệu ngư dân và các hộ nghề nông. Đại hoạ ấy do ai gây ra, thiết nghĩ cháu học sinh trung học cũng có thể trả lời rành rẽ. Rồi biển đảo và các ngư trường truyền thống của người Việt không chỉ ở Hoàng Sa, Trường Sa mà trên toàn Biển Đông không phút nào thôi bị đe doạ, bị khủng bố. Và còn bao nhiêu câu chuyện đau đầu khác nữa liên quan đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong quan hệ đối ngoại. Cần lắm lúc này một lời hiệu triệu: “Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi!”** Vấn đề ở đây không chỉ là đức hy sinh! Đối với một thế giới “hậu Covid-19”, sự tỉnh táo để kết nối và thích ứng mới đẻ ra được giải pháp thông minh. Cái khó ló cái khôn, trong nguy có cơ. Dân tộc này không thiếu các nguồn mạch tạo ra “sức mạnh mềm”. Vấn đề là phải biết lắng nghe, biết khai mở, đặc biệt từ những công dân tiêu biểu như Nguyễn Trọng Vĩnh, một Lão tướng “còn hơi, còn sức, còn lên tiếng/ là muốn quyền uy bớt lỗi lầm”.

Giá như độ tinh nhạy của các Lãnh đạo Đảng/ Nhà nước/ Chính phủ suốt bao năm qua, đặc biệt là 15 năm trở lại đây (từ 2004 – 2019) bắt được làn sóng phát ra từ Cụ và từ biết bao các bậc nhân sỹ trí thức từ Bắc chí Nam thì đất nước đâu đến nỗi khốn khó và khủng hoảng như giờ đây. Một trong những giá trị làm nên “hiện tượng Nguyễn Trọng Vĩnh” là sự tỉnh táo và sáng suốt bắt kịp những thăng trầm trong số phận của đất nước. Dù giác ngộ và theo Đảng từ năm 1937 nhưng một khi thời thế chuyển dịch, Cụ đã sớm nhận chân các xu hướng phổ quát của thời đại, khảng khái chỉ ra “những lỗi hệ thống, sai từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình” (cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An), và đề xuất phương hướng khắc phục. Tính tiên phong trong viễn kiến của Cụ rõ ràng vượt qua giới hạn tuổi tác và tư duy quán tính. Có lần đại diện của Thành uỷ Hà Nội đến vấn an Cụ tại nhà riêng với mục đích vận động Cụ rút tên khỏi Thư Ngỏ 61 và khỏi Danh sách 127 Nhân sỹ trí thức gửi kiến nghị tới các đại biểu dự Đại hội 12 của Đảng. Cụ không những không rút, mà còn thuyết phục những người cùng đối thoại về tính đúng đắn của các kế sách “chống giặc ngoại xâm và nội xâm” ấy.

Giá như các bậc “công bộc” ấy giờ đây ngồi lại, với các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự, cùng nhau rút ra những gì là “ích quốc lợi dân” từ trong hai tập sách của Tủ sách Gia đình: “Kể lại Cuộc đời” và “Phải Trái Sự Đời”. Mùa Covid-19 chưa làm được Hội thảo thì sẽ tập trung giới thiệu hai ấn phẩm như là những nén tâm hương nhân 100 ngày Cụ về Trời. Những người quý mến, ngưỡng mộ Cụ đã lập Blog https://disannguyentrongvinh.blogspot.com/ để có chỗ trao đổi những cảm nghĩ và phân tích của mình về cuộc đời cũng như sự nghiệp vẻ vang của Cụ, về các bài viết mà con cháu Cụ đã sưu tầm, sắp xếp và tuyển chọn nhân dịp mừng Cụ trăm tuổi, rồi cùng nhau online như một trang mạng xã hội thì hay biết chừng nào! Cảm ơn nhà báo Tạ Đình Thính đã có mấy dòng cảm thán mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, phản ánh được các cung bậc tình cảm của nhiều người: “Một trăm linh bốn Xuân/  Lão tướng chẳng cầu Nhàn/ Khơi ngọn lửa Vĩnh Cửu/ Để thắp sáng Nhân Gian/”.

Cảm ơn nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã phác hoạ chân dung Cụ thật tài tình: “Sứ thần tận Trung với nước/ Tướng quân tận Hiếu với Dân/ Trăm năm vững vàng quắc thước/ Xứng danh Người ở cõi Trần/. Vâng, Cụ Vĩnh thật xứng danh và xứng đáng với chữ “Người” viết hoa. Là một nhà ngoại giao khoác áo lính và cũng là một người lính mặc áo ngoại giao, Cụ Vĩnh chắc chắn là vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền duy nhất của Việt Nam cho đến nay có nhiệm kỳ dài nhất ở sở tại, suýt soát 13 năm. Cụ đã đúc kết một trong những bài học với Trung Quốc là “mềm nắn rắn buông”. Cụ kể lại cho chúng tôi nhiều câu chuyện khi “nhu” khi “cương” với Tầu. Lúc họ hùng hùng hổ hổ, đập bàn đập ghế, vu cáo trắng trợn và đe doạ ta, Cụ đã phải vận hết nội công kiềm chế để không bị cuốn vào những trò “phi ngoại giao”, dùng những lý lẽ đích đáng “đập” lại họ, buộc họ phải thoái lui. Nhưng khi cần “cương”, Cụ cũng dám có thái độ cứng rắn, đã “mời” một Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ra khỏi Đại Sứ quán ta ở Bắc Kinh, khi vị Thứ trưởng ấy đã có thái độ bất lịch sự và những phát ngôn không đúng mực trong đàm phán.

Cuộc thoát trần của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh giống như ngôi sao băng vừa vụt qua trên bầu trời ảm đạm. Có thể chia sẻ với suy tưởng của GS. Tương Lai: Ngôi sao băng ấy tuy đã tắt nhưng ánh sáng của nó sẽ còn soi rọi mãi tới nhiều thế hệ mai sau! Tinh thần này đã được Giám đốc Trung tâm Minh Triết Nguyễn Khắc Mai tái khẳng định trong bức Trướng viếng hôm tang lễ. Tiếc là không rõ vì lý do gì, bức Trướng ấy không được các lực lượng an ninh cho phép đưa vào đặt trước linh sàng Cụ: “Trọng Độc Lập/ Trọng Dân Quyền/ Hiếu Trung Rạng Ngời Một Thuở/ Vĩnh Biệt Này/ Vĩnh Hằng Ấy/ Nghĩa Tình Còn Mãi Ngàn Thu”. Để di sản của Cụ sống mãi với thời gian, để các giá trị lâu bền và những định hướng nhất quán của Cụ được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, Blog https://disannguyentrongvinh.blogspot.com/ hy vọng nhận được ngày càng nhiều sự hưởng ứng từ khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam và từ những người Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Hãy đọc và cảm nhận hai cuốn sách nóng bỏng tính thời sự, chứa chan lòng yêu nước, thương dân của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh! Hãy lan toả những bài viết đầy trí tuệ sắc bén, chứa chan nhân cách sống giản dị và thanh cao, sống động và cuốn hút của Cụ vào xã hội hôm nay, đồng thời truyền cảm hứng ấy cho các thế hệ mai sau, dấn thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì dân chủ, hạnh phúc của Nhân dân./.

Thêm một số tham khảo:

* và **: “Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi, hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời”: Trích từ bài hát “Chiến sĩ Việt Nam”, nhạc và lời của Văn Cao: https://www.youtube.com/watch?v=M0q1d-mC8RA








  XIN CHO CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH LÀ “TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT"! Mạc Văn Trang Chị Nguyễn Nguyên Bình sau khi đi tảo mộ cha - Lão tướng, nhà Ng...